7 lưu ý không được bỏ qua để duy trì đề kháng cho cơ thể
Đề kháng yếu làm gia tăng các bệnh lý nhiễm trùng, mức độ mắc bệnh nặng hơn và dễ tái phát. Vậy sức đề kháng yếu phải làm sao để ngăn ngừa mắc bệnh?
Hậu quả của sức đề kháng yếu
Đề kháng yếu là vấn đề của hệ miễn dịch khiến khả năng phòng bệnh suy giảm, cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Đặc biệt khi nhiễm bệnh, mức độ bệnh thường nặng hơn, dễ biến chứng nguy hiểm và khó điều trị, hay tái phát.
Các bệnh lý điển hình, dễ mắc phải khi sức đề kháng suy yếu bao gồm:
Viêm đường hô hấp trên: viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, thanh quản
Viêm đường hô hấp dưới: viêm phế quản, viêm phổi
Một số bệnh đặc thù dễ gặp với người đề kháng yếu: viêm màng não, viêm tai tự phát hoặc do biến chứng từ đường hô hấp
Nhiễm trùng da: nấm da, nhiễm khuẩn…
Nhiễm trùng tiêu hóa có thể gia tăng đặc biệt khi bệnh nhân phải sử dụng kháng sinh nhiều hơn để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn khác.
Chậm phát triển: cơ thể thường xuyên ở trong trạng thái mệt mỏi chống lại bệnh tật, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất đặc biệt là trẻ em.
Sức đề kháng yếu phải làm sao?
1. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng mỗi ngày đủ các nhóm chất cần thiết gồm đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia. Các chất này không những khiến đề kháng yếu dễ mắc bệnh nhiễm trùng mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Tăng cường bổ sung rau xanh và hoa quả để cung cấp vitamin và khoáng chất. Đây là nhóm chất thiết yếu nhằm cấu thành nên hệ miễn dịch.
2. Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc
Khi không được nghỉ ngơi đầy đủ, thiếu ngủ, toàn bộ cơ thể nói chung và hệ miễn dịch nói riêng không có cơ hội được tái tạo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu ngủ, ngủ chập chờn không ngon giấc có liên quan đến giảm số lượng tế bào lympho T, giảm số lượng bạch cầu nói chung. Đây là những thành phần quan trọng của hệ miễn dịch làm giảm khả năng chống lại bệnh tật.
3. Vận động thể dục thể thao hợp lý
Vận động cơ thể làm tăng cường khả năng lưu thông máu, thúc đẩy tuần hoàn và sự đào thải các chất độc ra ngoài. Việc tăng cường tuần hoàn đến những cơ quan đang bị bệnh cũng giúp bạch cầu thực hiện nhiệm vụ, tiêu diệt và chống lại nguy cơ tiến triển thành bệnh lý nghiêm trọng.
4. Giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng
Căng thẳng, lo âu chính là tác nhân trực tiếp thúc đẩy sự gia tăng hormone cortisol và giảm sản xuất prostaglandin – loại hormone có tác dụng giãn mạch, chống viêm, hỗ trợ cho chức năng miễn dịch. Căng thẳng khiến cơ thể dễ mắc bệnh cảm lạnh, cúm, thậm chí là các vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh tim mạch, tiêu đường, rối loạn nội tiết và các bệnh mạn tính khác.
5. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ
Môi trường sống ô nhiễm, nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn sẽ khiến sức đề kháng của cơ thể luôn phải gồng mình chống đỡ, dần dần làm suy yếu hệ miễn dịch. Do vậy, vệ sinh môi trường sạch sẽ là góp phần duy trì sức đề kháng mạnh khỏe. Nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên, mở cửa sổ tăng cường nguồn không khí tươi mới vừa giúp giảm căng thẳng vừa bảo vệ hệ miễn dịch.
6. Sử dụng kháng sinh đúng cách
Sử dụng kháng sinh đúng cách không có nghĩa là hoàn toàn không được sử dụng kháng sinh. Cần lưu ý rằng, chỉ nên sử dụng các loại thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ, khi cơ thể thực sự đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Khi đã sử dụng kháng sinh, cần tuân thủ chế độ liều chính xác, việc sử dụng tăng liều có thể làm gia tăng tác dụng phụ. Tuy nhiên, tự ý giảm liều kháng sinh so với khuyến cáo không những làm mất hiệu quả điều trị mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sống mạnh mẽ hơn, đề kháng thuốc và khiến bệnh tái phát, khó điều trị.
7. Bổ sung khoáng chất thiết yếu
Kẽm là loại khoáng chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì và tăng cường hệ miễn dịch. Kẽm cấu thành nên khoảng 300 loại enzyme của cơ thể, tham gia xúc tác cho ARN – polymerase, là enzyme cực kỳ quan trọng của quá trình phiên mã, dịch mã, tổng hợp protein, sự nhân đôi của tế bào và do vậy ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động tế bào, sự tăng trưởng và chức năng chuyển hóa, miễn dịch.
Thiếu kẽm gây suy giảm sự phát triển và chức năng của các tế bào miễn dịch như lympho T, lympho B, đại thực bào. Các nghiên cứu ghi nhận rằng thiếu kẽm gây thiểu sản lách, tuyến ức, giảm sản xuất globulin miễn dịch như IgA, IgM và cả IgG.